QĐND - Việt Nam có bờ biển dài khoảng 3.260km. Diện tích đất liền trên 33 vạn ki-lô-mét vuông, trong khi biển của ta có khoảng 1 triệu ki-lô-mét vuông, với hàng nghìn đảo lớn nhỏ, trong đó có hai quần đảo xa bờ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng lớn. Biển Việt Nam có nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng với trữ lượng, quy mô thuộc loại khá, cho phép chúng ta phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế biển quan trọng như đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản; cảng biển, vận tải biển, sửa chữa và đóng tàu; khai thác tài nguyên khoáng sản; du lịch; thông tin liên lạc… Trong nhiều năm qua, các nguồn lợi từ biển mang lại đã đóng góp to lớn vào quá trình phát triển đất nước. Theo ước tính hiện nay, tỷ trọng các ngành kinh tế biển và liên quan đến biển chiếm 48% GDP cả nước. Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 được Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X thông qua đã xác định mục tiêu: “Đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển… Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53-55% GDP…”. Tuy nhiên, Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn liên quan đến chủ quyền quốc gia trên biển, trong đó những hành vi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo Việt Nam của Trung Quốc những năm qua và thời gian gần đây đã gây ra những bức xúc không chỉ đối với nhân dân Việt Nam mà đối với cả những người yêu chính nghĩa, hòa bình trên toàn thế giới.
Bảo vệ chủ quyền quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, đồng thời duy trì được môi trường hòa bình trong khu vực nói chung, giữa Việt Nam với Trung Quốc nói riêng là trọng trách, là sứ mệnh của Đảng, đồng thời là mục tiêu nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Thế nhưng, một số người đã lợi dụng vấn đề Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam để xuyên tạc đường lối, chính sách an ninh, quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta, vu cáo Đảng ta đặt “hệ tư tưởng”, đặt mục tiêu bảo vệ “chế độ chính trị”, “bảo vệ Đảng” cao hơn lợi ích quốc gia. Có kẻ còn đưa ra gợi ý, cần thay đổi chế độ xã hội XHCN do Đảng ta lãnh đạo hiện nay, chuyển sang chế độ “đa đảng” để “đổi lấy” sự ủng hộ của các quốc gia phương Tây trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo!
Lịch sử dân tộc ta trong thế kỷ XX, cũng như thực tiễn chính trị hiện nay đã hoàn toàn bác bỏ những lập luận đó của họ.
Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 do Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã đem lại độc lập cho dân tộc. Hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược do Đảng ta lãnh đạo đã bảo vệ được độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và thống nhất đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác” [1]. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là tư tưởng xuyên suốt các cương lĩnh của Đảng ta. Cương lĩnh mới, thông qua Đại hội Đảng lần thứ XI ghi: "Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc” [2].
Thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng, các Hiến pháp từ Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980 đến Hiến pháp 1992 đều quy định rõ chủ quyền quốc gia của Việt Nam đối với đất liền và biển đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Lịch sử dân tộc cho thấy chưa bao giờ sự hèn yếu lại có thể bảo vệ được chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Chỉ có lực lượng vật chất mới có thể đánh bại được lực lượng vật chất. Lực lượng tinh thần chỉ có thể chuyển hóa thành lực lượng vật chất khi nó được tổ chức lại bởi một bộ tham mưu sáng suốt. Bộ tham mưu đó chính là Đảng ta. Ngày nay để bảo vệ Tổ quốc, chúng ta không thể đem xương máu của đồng bào, chiến sĩ ta vào một “cuộc thách đấu” như các hiệp sĩ thời trung cổ. Để bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải Tổ quốc cần phải củng cố và phát huy sức mạnh tổng thể của đất nước trên tất cả các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội. Điều đó đòi hỏi:
Trước hết là củng cố chế độ xã hội XHCN và vai trò lãnh đạo của Đảng ta; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức hợp thành hệ thống chính trị, đặc biệt là thực hiện Đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Thứ hai, bảo đảm vai trò lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng đối với lực lượng vũ trang, nâng cao chất lượng chính trị, tinh thần sẵn sàng chiến đấu của quân đội, gắn liền với tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh cả về tiềm lực và thế trận.
Thứ ba là thực hiện sáng tạo đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; hợp tác, hữu nghị với tất cả các quốc gia không phân biệt chế độ chính trị trên cơ sở tôn trọng chủ quyền quốc gia, Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Đối với Trung Quốc, chúng ta luôn tôn trọng truyền thống đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc; thực hiện nghiêm túc “Thỏa thuận về những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào ký trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 11-10-2011. Cùng với các nước trong khu vực, Việt Nam thúc đẩy việc ASEAN và Trung Quốc xúc tiến tiến trình đàm phán để sớm đi đến Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Mọi vấn đề còn có những nhận thức khác nhau hoặc tranh chấp phải kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế.
Vọng Phúc - Ngọc Vân
[1] - Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, HN, 1995, T 5, Tr 25.
[2] - Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội XI, NXB CTQG, HN, Tr 65
Theo Quân Đội Nhân Dân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét