Bình luận bài viết “VIỆT NAM, TRUNG QUỐC VÀ XUNG ĐỘT Ở BIỂN ĐÔNG NAM Á” một bài viết hay của Người Lót Gạch
Hai tác giả đã trình bày phần lịch sử về vấn đề chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa -Trường Sa rất công phu, phân tích chủ trương và âm mưu bành trướng bá quyền đại Hán của nhà cầm quyền Bắc Kinh khá chi tiết, giúp cho người đọc lý giải được tại sao TQ tung ra bản đồ hải phận hình chữ U trên biển Đông hòng xâm chiếm 80% diện tích vùng biển này một cách ham hố, đi ngược lại xu thế hòa bình-ổn định-hợp tác và phát triển của các nước đông nam châu á, cụ thể là tạo ra một sự bất ổn và sóng gió cho những nước chung quanh biển Đông, phân hóa các nước trong khối ASEAN hòng thực hiện tham vọng “giấc mơ Trung Quốc” như Chủ tịch Tập Cận Bình chủ xướng từ khi lên nắm quyền. Trước việc TQ “ muốn kiểm soát cả biển Đông Nam Á và buộc các nước khác chịu sự kiểm soát, hoặc ít nhất nằm vào phạm vi ảnh hưởng của họ trong khi chiếm hữu dầu khí và nguồn lợi thủy sản ở biển Đông Nam Á” thì trong trường hợp VN, hai tác giả đã đề xuất “một con đường thứ ba” để đối phó với một nước TQ bành trướng mà” không mất nước mà cũng không nhấn Việt Nam chìm vào hỗn loạn” bằng cách “cải thiện tầm vóc quốc tế của Việt Nam… Tuy nhiên, cải thiện tầm vóc quốc tế của Việt Nam sẽ chỉ đi kèm với cải cách thể chế cơ bản, trong đó có cải cách chính trị và kinh tế ” .
Trước khi góp ý với hai tác giả về lập luận vừa nêu, xin hỏi tranh chấp giữa Nhật Bản và TQ về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông thì sao ? Liệu NB có cần phải “cải thiện tầm vóc quốc tế” mới có thể ngang hàng với TQ để giải quyết vấn đề chủ quyền của quần đảo này ? Với thế và lực của nước Nhật hiện nay vẫn còn yếu(suy kém) so với TQ nên chưa giải quyết được chăng? Và khi NB có đủ “tầm vóc quốc tế”– như hai tác giả lập luận– thì TQ sẽ khép lại việc tranh chấp chủ quyền với NB, và sự tham lam của đại Hán bị đẩy lùi ? Nên nhớ NB là nước có quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ bằng “Hiệp ước an ninh Nhật Mỹ” từ năm 1960, là quốc gia phát triển có nhiều sự đồng thuận về nhiều mặt trong chính trị-xã hội và những cung bậc về đạo đức cũng như nấc thang giá trị cùng chia sẻ với nước Mỹ, kể cả việc che chở dưới chiếc dù hạt nhân của Hoa Kỳ, có căn cứ quân sự của quân đội Mỹ ngay bên cạnh quần đảo Senkaku…vậy mà TQ vẫn cứ cho tàu Hải Giám đi lại tấp nập, máy bay chiến đấu quần thảo liên tục trên vùng biển giáp với hải phận của NB là vì sao ? NB có nên tham khảo ý kiến của hai vị để “cải cách chính trị” lẫn “kinh tế” để đối phó với TQ? Đặt ra hàng loạt “thắc mắc” như vậy để xin tạm thưa rằng hình như hai vị lẫn lộn giữa việc bảo vệ chủ quyền biển đảo với chế độ chính trị của một nước, ghép hai vấn đề này(xem điều kiện ắt có và đủ) để lập luận như trên là không thuyết phục và khiên cưỡng. Tất nhiên với thực trạng về kinh tế-xã hội và chính trị hiện nay củaVN, chúng ta đều thấy rằng có rất nhiều việc phải chấn chỉnh, thậm chí cần có quyết tâm cao thay đổi thể chế(hay cơ chế) cho phù hợp và tiếp tục phát triển đất nước để VN có được một vai trò và vị thế tương xứng ngày càng cao trong cộng đồng quốc tế nhưng có phải nhờ vậy mới có thể “ngang hàng” với TQ để đấu tranh giành lại chủ quyền biển đảo thì lối lập luận này có quá ư chủ quan, ngây thơ , mơ mộng lãng mạn hay tự ti mặc cảm (!?). Quá khứ đã chứng minh, dù dưới chế độ chính trị nào đi nữa, người VN chúng ta cũng vẫn xem biển đảo của tổ quốc là thiêng liêng, quyết tâm bảo vệ dù phải hi sinh, không thể cúi đầu chấp nhận khuất phục trước mọi âm mưu và hành động xâm lấn, chiếm giữ phi lý của ngoại bang. Cuộc chiến đấu của người lính dưới chế độ VNCH để bảo vệ quần đảo Hoàng Sa năm 1974 hay của chiến sĩ VN(sau ngày thống nhất) ở đảo Gạc Ma năm 1988 đã chứng minh hùng hồn, lòng yêu nước của người VN dù ở chế độ nào thì trước giặc ngoại xâm có gì khác nhau ? “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”
Theo ">Mõ Làng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét