Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Chỉ là chuyện đong đưa…

[Đò Ngang] - Thời gian vừa qua, Nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam Jason Gibbs bài viết của anh về “nên bỏ chữ nhạc sến” , nhạc sỹ H.T cho rằng ca sĩ đua nhau hát nhạc sến là a dua, thiếu nhận thức còn nhạc sỹ Q.T lại khẳng định: “thanh niên mà đắm đuối với nhạc sến là điều bất thường” và xa hơn nữa nhạc sĩ này cho rằng nhạc sến là thị trường cấp thấp và ca sĩ không nên theo.
Những bình luận, ý kiến này làm người yêu mến dòng nhạc bình dân nổi giận, họ cảm thấy bị xúc phạm. Phải chăng dòng nhạc bị gán cái tên tương đối khiếm nhã này có đáng bị gọi như vậy hay không và khi nó đã đi vào quảng đại quần chúng thì giá trị thật nó nằm ở chỗ nào?


Nhạc sến, tức là thể loại nhạc vốn được xem là não tình, u uất, buồn bã, không có nhựa sống... Nhưng cho dù bị đánh giá như thế nào đi chăng nữa, nhạc sến vẫn có chỗ đứng riêng cho mình. Nhạc sang, chắc tạm gọi là thể loại nhạc trữ tình, với giai điệu và ca từ có vẻ “cao cấp” hơn nhạc sến, được chắt lọc hơn nhạc sến…
Kiểu như, nhạc sến: “Anh vẫn đi về qua ngõ nhà em, cô bác họ hàng mừng em lấy chồng”, thì nhạc sang chắc là: “Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô. Ta thấy em đang ngồi khóc khi rừng chiều đổ mưa” (chỉ là ví dụ để bạn đọc dễ hình dung, hoàn toàn không có ý gì khác - NL).
Một dạo, không hiểu thế nào, các ca sĩ đang lừng danh của nước mình chuyển sang hát nhạc sến, đi đâu cũng nghe nhạc sến.
Nam ca sĩ hát, rồi nữ ca sĩ hát. Có lúc, lại kết hợp rất nhịp nhàng một nam một nữ, hát những bài từ lâu đã ít nghe, như: “Từ lúc quen nhau chưa nói một lời gì, tỏ tình ta mến nhau... Nhiều đêm ngắm sao, mơ ước duyên mình bền lâu, suốt đời tình thắm sâu”.
Nhạc sang ngày càng vắng đi. Thậm chí, nhạc của phù thủy ngôn từ cũng ít được nhắc đến…
1. Trong bối cảnh đó, một nhạc sĩ lên tiếng. Anh nói đại loại, những thanh niên, trí thức trẻ tuổi thông thạo công nghệ, sành điệu hoặc sở hữu những bộ dàn Hi-End đắt tiền nhưng lại đắm đuối với những ca khúc uỷ mị, sướt mướt có cách đây gần 100 năm thì không nên xem đó là bình thường, mà phải nghĩ rằng đó là sự chênh lệch giữa tốc độ sống và cảm xúc nghệ thuật chính là sự lệch lạc. Thêm nữa, nó biểu hiện cho sự bế tắc, lười biếng, chộp giật của tầng lớp nghệ sĩ và sự đứt gãy xa cách giữa các thế hệ.
Anh nhạc sĩ vừa nói dứt câu, ngay lập tức nhận được vô số những ý kiến có phần gay gắt từ nhiều giới nhắm vào anh, từ văn sĩ cho đến nhạc sĩ, cả thi sĩ lẫn ca sĩ…
Do đặc thù lịch sử, nhạc sến vốn dĩ được xem như là đặc sản của miền Nam. Tôi rất hồ nghi nếu như ai đó bảo rằng, sinh ra và lớn lên ở miền Nam mà lại không thuộc lòng, hát được một đoạn nhạc sến bất kỳ nào. Lâu trước, ngồi chơi với các nghệ sĩ, tôi nghe mấy anh kể rằng trong các chuyến lưu diễn phía Bắc, nhạc sến vẫn được tán thưởng rầm rộ. Nhạc sến hay nhạc sang gì cũng là nhạc. Người nghe nhạc sến, vẫn có thể nghe nhạc sang và ngược lại.
Thụ hưởng giải trí, nên chấp nhận đó là sự thụ hưởng cảm tính rất theo ý thích cá nhân. Tất nhiên là yếu tố giải trí đó phải phù hợp với văn hóa và được pháp luật thừa nhận.
Sợ nhất là thụ hưởng văn hóa theo kiểu a-dua, theo trào lưu… Thấy người ta nghe, mình cũng nghe. Thấy người ta ngưỡng mộ, mình cũng ngưỡng mộ. Nên cá nhân tôi nghĩ, sến hay sang thì có quan trọng gì đâu, vấn đề là mình chọn được thể loại âm nhạc phù hợp với thời điểm mà mình muốn nghe.
2. Sai lầm lớn nhất của con người, chính là thấy cái gì của mình cũng hay, thiên hạ không làm theo mình đều dại. Cực đoan cũng có cái tích cực của nó, nhưng cực đoan đa phần là mang lại tiêu cực nhiều hơn.
Nhạc sĩ đưa ra nhận định trên, là với ý tốt. Đáng tiếc, đó là một ý tốt diễn giải chưa đầy đủ và có phần chủ quan. Hơn nữa, đó là một quan điểm cá nhân. Lấy từ tôi suy ra, tôi luôn tôn trọng quan điểm cá nhân. Nên tôi rất ngạc nhiên khi nhạc sĩ đưa ra quan điểm, còn những người tranh luận ấy lại toàn công kích vào nhạc sĩ. Nói theo kiểu thời thượng hiện nay thì, “tranh luận theo kiểu bỏ bóng đá người”.
Xét cho cùng, vụ tranh luận ầm ĩ này cho dù có “bỏ bóng đá người” hay “bỏ người đá bóng”, thì vẫn có mặt tích cực. Đây thật sự là một cơ hội của những người làm nghề chiêm nghiệm lại chính mình, khi mà đời sống văn nghệ bị khuấy động lên một cách ầm ào.
3. Người làm nghệ thuật phải luôn nhớ rất kỹ, công chúng không bao giờ là đối tượng có lỗi. Sự thụ hưởng văn hóa của đám đông nằm nửa trong nửa ngoài bàn tay của nghệ sĩ.
Nghệ sĩ giỏi, đám đông ở lại. Nghệ sĩ tồi, đám đông tuột ra. Người sáng tạo không thể có tư duy: “Không thích sự sáng tạo của tôi, anh đúng là chẳng biết gì về nghệ thuật”. Người sáng tạo, phải điều chỉnh thích hợp để đám đông chấp nhận sáng tạo của mình là một nghệ thuật đầy hấp dẫn.
Quan trọng hơn, sến đã đi sâu vào tiềm thức của rất nhiều người, lấy từ tôi suy ra, ngày bé nghe mẹ hát, lớn lên nghe chị hát... mãi thành quen. Muốn quên đi, là điều không thể. Mà thật lòng, cũng không hề muốn quên. Ai mắng thế nào, thì đành chịu.
Khi mà đám đông quay lại tìm nhạc sến, ca sĩ trở lại hát sến, thì đó là lúc những người làm nghề phải đặt câu hỏi như là nỗi trăn trở, mình yếu kém ở đâu để họ rời bỏ hiện tại, tìm về quá khứ (không phải, cứ tìm về quá khứ là một sự thụt lùi, nghĩ vậy thì còn non và xanh lắm - NL).
Nên cho đám đông một lựa chọn tốt đẹp, trước khi đưa ra phán xét. Sai lầm nhất hiện nay của một số cá nhân, chính là đưa ra phán xét mà không cho người mình phán xét bất cứ cơ hội nào để lựa chọn một sự khác biệt.

( Theo ANCT)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét