Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Niềm tự hào của thể thao Việt Nam!


Xin được mượn lại cái tựa của cố nhà báo Tường Vy khi đề cập đến sự kiện các nữ cầu thủ bị bỏ bê nhưng vẫn ra sân với tinh thần và ý chí cao để đoạt HCV, trong khi bóng đá nam được đầu tư rất tốn kém mà đá hoài vẫn không có vàng SEA Games.
Bây giờ thì các chị em đang chuẩn bị bảo vệ HCV mà họ đã bốn lần đăng quang vô địch SEA Games tạo ra một thế lực của khu vực. Quan trọng hơn là sau SEA Games đấy, các chị em đá bóng còn nhận nhiệm vụ quan trọng là đoạt hạng năm châu Á, nhận một suất tham dự vòng chung kết giải vô địch thế giới.
Sau buổi lễ bốc thăm vòng chung kết Asian Cup 2014, tôi hỏi các nhà quản lý bóng đáViệt Nam: “Điều các anh không tính tới và ít đầu tư thì nay đã có cơ hội rất lớn. Đó là các nữ cầu thủ Việt Nam có thể bước vào đấu trường ở giải vô địch thế giới. Trong khi đó bóng đá nam tốn biết bao tiền của, bao kỳ vọng thì nay cứ để người hâm mộ mất niềm tin và chán nản bởi sự tính toán tiền bạc nhiều quá đã đánh mất cả tinh thần lẫn màu cờ sắc áo.
Các cầu thủ nam có bao giờ rơi vào cảnh hết giải phải đẩy xe bánh mì ra phố bán để sống qua ngày; các cầu thủ nam cũng có bao giờ đi đá bóng mà phải giấu người thân hoặc trốn trong xe phủ bạt. Trong khi đó thì các cầu thủ nữ có khi phải tắm nước lạnh khi tập trung vào mùa đông vì khu họ tập trung không có nước nóng; các cầu thủ nữ cũng có bao giờ mơ được phần lương bằng một góc của các anh hay phần lót tay với họ luôn là chuyện xa xỉ. Thế mà điều họ có được và chưa bao giờ đánh mất là ý chí, là tinh thần, là màu cờ sắc áo khi họ khoác trên người.
Bóng đá nữ không được quan tâm nhưng họ vẫn hết lòng, hết mình lúc ra sân và nói như nhiều người là “đá chết bỏ”

Tôi còn nhớ SEA Games 21 năm 2001 tại Malaysia, khi đoạt chiếc HCV SEA Games đầu tiên cho bóng đá Việt Nam thì hôm sau được chứng kiến những người hùng với khuôn mặt đen nhẻm đi siêu thị và cân nhắc từng hộp kem, từng thỏi son bởi họ không đủ tiền để sắm những thứ đấy. Một đồng nghiệp nữ khi ấy kể lại rằng họ chứng kiến cả những cầu thủ nữ hùng dũng trên sân và khóc khi chiến thắng trong trận chung kết vậy mà đi siêu thị lại lấm la lấm lét vào cửa hàng áo ngực chỉ để mua những cái áo chuyên dùng cho cầu thủ mà họ thấy nữ cầu thủ Thái Lan, Myanmar mang khi thi đấu.
Bóng đá nữtừ lâu đã có truyền thống là không được quan tâm thì họ vẫn hết lòng, hết mình lúc ra sân và nói như nhiều người là “đá chết bỏ”. Biết bao người đã khóc khi chứng kiến Kim Chi té ra đường chạy rồi băng đầu máu mà vào sân thi đấu rồi ngất xỉu sau chiến thắng. Và không chỉ Kim Chi, những thế hệ cầu thủ nữ sau này cũng thế. Họ vẫn ra sân với cái túi rỗng cùng nỗi lo sau này giải nghệ lẫn chuyện chồng con.
Giờ lại mong các cầu thủ nam được rất nhiều có được một chút tinh thần và màu cờ sắc áo của các chị em đổi mồ hôi và cả máu lấy HCV mà có bao giờ bận tâm chuyện tiền nong…
                                                    Theo Nguyễn Nguyên (phapluattp.vn)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét