Đà Nẵng, với vị trí chiến lược quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến sự an nguy của Kinh đô Huế - trung tâm chính trị, kinh tế, quốc phòng... của vương triều Nguyễn. Đây là một quân cảng và một thương cảng quan trọng bậc nhất của triều Nguyễn. Cho nên, ngay sau khi thành lập, vương triều Nguyễn đã chú trọng xây dựng tại đây một hệ thống quản lý và phòng thủ cảng biển đặc biệt.
-2apNzgFm29A/USs5r4QBzAI/AAAAAAAABq8/jiBPloTemYA/s1600/trieunguyenquanly1.gif" imageanchor="1" style="margin-left: 1em; margin-right: 1em;">
Ảnh minh họa (Internet)
Đà Nẵng càng đóng vai trò quan trọng hơn, kể từ khi vua đầu triều Nguyễn là Gia Long quy định việc đón tiếp các đoàn sứ ngoại quốc đến quan hệ với vương triều. Các tàu thuyền của phương Tây đến nước ta, nhất định phải vào cửa biển Đà Nẵng, mà không được cập bến tại bất kỳ một cửa biển nào khác. Các vua triều Nguyễn kế tiếp sau như Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức... đều nhất quán thực thi luật định này một cách nghiêm túc.
Vào năm Minh Mệnh thứ 11 (1830), nhằm ngăn ngừa việc xâm nhập trái phép của các tàu thuyền phương Tây và cảnh báo dân chúng ở địa phương không được quan hệ với người nước ngoài tại vùng cảng biển này, tránh mọi rắc rối, bất trắc xảy ra, triều đình ra Nghị định: Tấn Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam, từ nay trở về sau, các thuyền nước ngoài như thuyền của nước Pháp, nước Anh đến đậu ở tấn ấy, thì phải báo trước. Cấm nhân dân ở tấn và nhân dân địa phương ấy không được tự tiện riêng tây đi lại dắt díu với họ, hoặc đến nỗi gây ra sự việc.
Tháng 10-1835, có chiếc thuyền bọc đồng của thương nhân người Thanh đỗ ở đảo Nam Dữ thuộc tỉnh Hà Tiên, trong thuyền có người Hồng Mao (nước Anh) chở nhiều loại hàng hóa và súng điểu thương, súng mã thương ngắn xin được vào buôn bán và nộp thuế. Minh Mệnh biết tin, lập tức ban Dụ nhắc nhở quan đầu tỉnh Hà Tiên phải nghiêm chỉnh luật lệ của triều đình, kiên quyết không được vi phạm luật pháp: Thuyền của Tây dương chỉ được vào đỗ ở bến Đà Nẵng, không được đến buôn bán ở các cửa biển khác. Phép nước rất nghiêm, há nên để cho vi phạm. Vậy nên mau rút ra khỏi, không cho vào cửa biển.
Vua Thiệu Trị lên nối ngôi, cũng đặc biệt quan tâm đến việc an ninh cảng biển tại Đà Nẵng, từng đưa ra những quy định chặt chẽ quản lý người phương Tây đến buôn bán tại đây. Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) ban ra Nghị chuẩn cho tàu thuyền nước ngoài khi khai báo hàng hóa phải ghi rõ toàn bộ số người đi trên thuyền, số lượng súng ống, khí giới mang theo, được phép lên bờ mua bán lương thực, chất đốt tại những địa điểm nhất định: Lấy củi thì lấy ở núi Trà Sơn, gánh nước thì gánh ở chợ Hoàn và chỉ cho đi trong số 10 người, không được mang binh khí lên bờ. Nghị chuẩn nhấn mạnh: Thuyền nước ngoài đến đậu ở cửa tấn không được đi lại riêng với người nước ta, ngầm thông tin và không được cho người nước ta đến thuyền, để đến nỗi gây ra chuyện. Nếu ai trái lệnh thì do viên tấn lập tức bắt trị tội.
Nhằm tăng cường hiệu quả của hệ thống phòng thủ Đà Nẵng, vương triều Nguyễn đã tập trung xây dựng một loạt căn cứ quân sự với những thành trì, đồn lũy được bố trí tại mặt Bắc và mặt Nam cảng biển Đà Nẵng. Năm 1813, vua Gia Long cho Đắp đài Điện Hải bên tả, bảo An Hải ở bên hữu cửa biển Đà Nẵng. Số lượng quân lính được phân về phòng giữ ở hai pháo đài lúc đầu là 500 người. Viên quan đứng đầu ở mỗi thành là Thành thủ úy.
Triều đình quan tâm dự bị đầy đủ và bổ sung trang thiết bị, vũ khí để hai pháo đài có thể thường trực chiến đấu. Năm 1829, Minh Mệnh ban Dụ cho bộ Binh: Pháo đài Trấn Hải ở Kinh sư, pháo đài Điện Hải ở Quảng Nam, đều là chỗ xung yếu, nên dù lúc vô sự, việc canh phòng cũng không thể bỏ qua. Bộ ấy nên truyền bảo quan binh trú phòng ở hai pháo đài ấy, hết thảy súng đạn, khí giới, quân nhu lúc nào cũng dự bị đầy đủ để phòng lúc bất ngờ.
Đến cuối triều Minh Mệnh, hệ thống bố phòng với những vũ khí hiện đại đã được xây dựng khá hoàn chỉnh tại các pháo đài trên. Tháng 7-1840, Nguyễn Công Trứ đương giữ chức Hữu Tham tri bộ Binh (tương đương Thứ trưởng Thường trực Bộ Quốc phòng) theo lệnh của vua Minh Mệnh đi thanh tra hệ thống phòng thủ Đà Nẵng.
Khi về, Nguyễn Công Trứ trình bày hiện trạng và kiến nghị, bổ sung tăng cường lực lượng thủy quân cho hai thành Điện Hải và An Hải: Các thuyền hiệu Thụy Long, Phấn Bằng, Thanh Loan mỗi thuyền nên phái thêm 100 thủy binh, 100 súng trường (điểu thương), 10 khẩu đại bác, 15 cây giáo dài. Nhà vua không những đồng ý mọi kiến nghị của quan bộ Binh, mà còn cấp thêm 10 thuyền bọc đồng cho hai thành Điện Hải và An Hải, đồng thời bổ sung 500-600 quân cho lực lượng của Tuần phủ Quảng Nam, để hỗ trợ bảo vệ hai thành trên.
Năm 1823, Minh Mệnh cho xây dựng một căn cứ quân sự ở phía Tây Bắc Đà Nẵng, được đặt tên theo ngọn núi là pháo đài Định Hải, huyện Hòa Vang. Pháo đài này có chu vi 23 trượng 3 thước, cao 5 thước 8 tấc, có một cửa, trên lập kỳ đài (cột cờ), bố trí mấy khẩu đại bác.
Vùng địa phương phía Đông Bắc Đà Nẵng cũng được triều Nguyễn xây dựng pháo đài và thành lũy. Pháo đài Phòng Hải tại Mỏ Diều, thuộc xã Mân Quan, huyện Diên Phước được lập ra nhằm liên kết, hiệp tác với những chiến thuyền lớn đậu trên biển, khi lâm trận có thể dễ dàng ứng cứu lẫn nhau.
Sau sự kiện quân Pháp tấn công, bắn chìm 5 chiến thuyền bọc đồng của triều Nguyễn tại Đà Nẵng, vua Thiệu Trị càng đặc biệt chú ý tới hệ thống phòng thủ Đà Nẵng, lệnh cho triều thần đặt 7 đồn, bố trí hỏa lực mạnh, thường gọi là "Trấn Dương thất bảo'' thuộc vùng biển Quảng Nam.
Đại Nam thực lục chép: Vua sai quan tỉnh là Mai Công Ngôn... lại ở tả hữu nơi Diên Chủy (Mỏ Diều) và Trà Sơn, xây dựng 7 đồn... Từ lãnh binh, quản vệ, quản cơ... đến biền binh, ai phải đóng lâu để làm việc, đều được thưởng trước 1 tháng lương bằng tiền. Đồng thời, nhà vua còn cho trích kho 32 vạn cân đồng để đúc thêm súng đại bác tăng cường cho Đà Nẵng và một số cửa biển khác (như Thị Nại, Cần Giờ...).
Năm 1857, theo lời tâu của Đào Trí, Tổng đốc Quảng Nam xin lập một đồn (bảo) lớn trên đỉnh núi ở cửa biển Đà Nẵng; vua Tự Đức đã cho xây: Đồn Trấn Dương ở đỉnh núi (Sơn Trà), để 20 khẩu đại bác, từ thành An Hải đến Sơn Trà, từ thành Điện Hải đến cửa Thanh Khê đều đắp lũy cát, trồng gai góc ngăn giữ.
Phía Bắc Đà Nẵng chính là phía Nam của Kinh đô Huế, cũng là một hướng mà triều Nguyễn thấy cần thiết phải xây dựng vững chắc để hoàn thiện cho hệ thống phòng ngự cảng biển Đà Nẵng. Đài Phong Hỏa trên đảo Sơn Trà có nhiệm vụ đốt lửa báo hiệu khi phát hiện ra tàu thuyền của giặc đi vào Đà Nẵng. Dưới chân núi phía Nam Hải Vân, có đồn Chân Sảng, tiếp theo là pháo đài Định Hải, phía Nam pháo đài này là tấn Cu Đê.
Tuyến đường bộ phía Bắc Đà Nẵng cũng là một trọng tâm trong hệ thống phòng ngự Đà Nẵng. Vua Minh Mệnh đã cho xây dựng Hải Vân quan trên đỉnh đèo Hải Vân, tu sửa lại con đường qua ải Hải Vân, đưa dân đến sinh sống ở ven đường quan ải.
Triều Nguyễn, ngoài việc tăng cường sức mạnh quân sự, an ninh cho hệ thống cảng biển Đà Nẵng, còn rất quan tâm đến việc cải tiến và tăng cường hiệu quả hoạt động của cảng Đà Nẵng như lập quy chế về kiểm soát tàu thuyền ra vào bến cảng Đà Nẵng, cải tiến hệ thống thông tin liên lạc...
Hệ thống phòng thủ cảng biển Đà Nẵng được triều Nguyễn đầu tư và xây dựng khá kiên cố, với trang bị vũ khí mạnh đã phát huy tích cực khả năng chặn đánh quân xâm lược. Vào năm 1859, quan quân triều đình và nhân dân tại Đà Nẵng đã chiến đấu anh dũng, ngăn chặn được cuộc tiến công rầm rộ, muốn đánh nhanh thắng nhanh vào kinh thành Huế của quân Pháp do Đô đốc Rigault de Genouilly (tháng 9-1859, Đô đốc Page sang thay thế) chỉ huy. Thắng lợi của cuộc chiến đấu quả cảm này đã khiến quân viễn chinh Pháp bị cầm chân, vây chặt tại mặt trận Đà Nẵng và hoàn toàn thất bại trong mưu đồ lấn chiếm ViệtNam .
TS. Nguyễn Hữu Tâm (Viện Sử học Việt Nam )
Theo Biên Giới Lãnh Thổ
" rel="dofollow">Tre Làng-" rel="dofollow">Loa Phường-" rel="dofollow">Tiên Lãng" rel="dofollow">-" rel="dofollow">Tiếng nói" rel="dofollow">-" rel="dofollow">Đất mẹ-" rel="dofollow">Việt Nam-" rel="dofollow">Dân Việt-" rel="dofollow">" rel="dofollow">" rel="dofollow">Tuổi trẻ-" rel="dofollow">Nhân dân-" rel="dofollow">QĐND-" rel="dofollow">VNCH
0 nhận xét:
Đăng nhận xét