Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Vài suy nghĩ về văn hóa ứng xử hiện nay


Tác giả : Vân Thanh

Thanh niên đang đối mặt nhiều khó khăn trong việc lựa chọn những giá trị mới vừa phù hợp truyền thống của dân tộc vừa đáp ứng xu hướng phát triển của xã hội hiện đại, nhất là việc lựa chọn hành vi ứng xử trong cuộc sống, trong học tập, công tác và các mối quan hệ xã hội. Ứng xử như thế nào để được coi là người có văn hóa và làm thế nào để hướng giới trẻ tới ứng xử có văn hóa? Đây là vấn đề cấp thiết đặt ra, đòi hỏi chúng ta cần có sự nhìn nhận nghiêm túc và khách quan.

Trong mỗi người đều có thể nhìn thấy những cái xấu của người khác một cách dễ dàng, song để nhận ra lỗi lầm, khuyết điểm của chính mình thì không đơn giản. Khi nói đến văn hóa ứng xử, người ta thường tìm về cội nguồn của những giá trị văn hóa truyền thống. Bởi vì, "Văn hóa" là những giá trị vật chất và tinh thần của một dân tộc, là trình độ cao trong sinh hoạt xã hội, là biểu hiện của văn minh. "Ứng xử" là sự thể hiện thái độ, hành động thích hợp trước những việc có quan hệ giữa mình với người khác. Văn hóa ứng xử là cách đối nhân xử thế thích hợp giữa người với người trong cuộc sống. Việc ứng xử có văn hóa không chỉ tạo nên nét đẹp cho từng cá nhân, mà còn phản ánh bản sắc văn hóa của một cộng đồng, một quốc gia, một dân tộc.
Ứng xử là một biểu hiện của giao tiếp, là sự phản ứng của con người trước sự tác động của người khác với mình trong một tình huống nhất định được thể hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ, cách nói năng của con người nhằm đạt kết quả tốt trong mối quan hệ giữa con người với nhau. Xét trên bình diện nhân cách thì bản chất của ứng xử chính là những đặc điểm tính cách của cá nhân được thể hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ và cách nói năng của cá nhân với những người chung quanh.
Vài suy nghĩ về văn hóa ứng xử hiện nay

Hành vi ứng xử văn hóa là những biểu hiện hoạt động bên ngoài của con người, được thể hiện ở lối sống, nếp sống, suy nghĩ và cách ứng xử của con người đối với bản thân, với những người chung quanh, trong công việc và môi trường hoạt động hằng ngày. Tuy nhiên hành vi ứng xử văn hóa của mỗi cá nhân là khác nhau, nó được hình thành qua quá trình học tập, rèn luyện và trưởng thành của mỗi cá nhân trong xã hội. Hành vi ứng xử văn hóa của tuổi trẻ được coi là các giá trị văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ của mỗi cá nhân được thể hiện thông qua thái độ, hành vi, cử chỉ, lời nói của mỗi cá nhân đó. Nó được biểu hiện trong mối quan hệ với những người chung quanh, trong học tập, công tác, với bạn bè cùng trang lứa và thậm chí ngay cả với chính bản thân họ. Về hành vi ứng xử có văn hóa của giới trẻ hiện nay, có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên cần có cái nhìn khách quan khi đề cập về vấn đề này. Có thể nói, tuổi trẻ ngày nay phần đông là những con người năng động, có kiến thức rộng, sống có hoài bão và lý tưởng, đồng thời không ngừng học hỏi vươn lên để dựng xây đất nước. Nhìn chung họ có những cách ứng xử tích cực, phù hợp với truyền thống, đạo lý dân tộc. Giới trẻ ngày nay phần đông đã thể hiện trách nhiệm với xã hội, với chính bản thân mình.
Hiện nay, một bộ phận thanh niên không nhỏ, đã sa ngã trước những cám dỗ của cuộc sống và đồng tiền, một bộ phận đang có biểu hiện suy thoái về đạo đức, nhạt phai lý tưởng, chạy theo lối sống hưởng thụ vật chất tầm thường …thanh niên đang phải đối diện với mặt trái của cơ chế thị trường, cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác, cái tốt và cái xấu …trong thời dại ngày nay, nó diễn ra một cách nhẹ nhàng, không ầm ỉ, không ồn ào, không tiếng súng, không khói lửa nhưng thật dữ dội và quyết liệt, không có máu nhưng có nước mắt, không chia cách nhưng đầy đau thương, không ngừng học hỏi, vươn lên, sống có hoài bão, lý tưởng rõ ràng.
Trong bối cảnh xã hội hiện nay chúng ta cần có sự nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề này. Việc giáo dục hành vi ứng xử văn hóa cho giới trẻ cần được quan tâm đúng mức. Chúng ta cần có những biện pháp thích hợp nhân rộng, tuyên dương những hành vi ứng xử đẹp tuân theo các chuẩn mực, vừa phù hợp với văn hóa, đạo đức truyền thống của Việt Nam, vừa phù hợp với các chuẩn mực của xã hội hiện đại.
Hành vi ứng xử văn hóa là kết quả của quá trình nhận thức, tình cảm, ý chí, niềm tin của con người trong quá trình sống, học tập và lao động. Cho nên để vun đắp hành vi ứng xử đạo đức trong giới trẻ, trước hết những người đi trước phải biết tác động một cách phù hợp vào nhận thức, tình cảm, ý chí và hành động của giới trẻ để họ từng bước nâng cao nhận thức, bồi dưỡng tình cảm, hình thành niềm tin và có những hành vi ứng xử đẹp trong cuộc sống. Có rất nhiều những việc làm cụ thể và thiết thực để hướng giới trẻ có cách ứng xử văn hóa: nêu gương của những người chung quanh để làm chuyển biến nhận thức giới trẻ; phát động các phong trào thi đua trong mọi lĩnh vực để hướng họ vào những hành động tốt; ngoài ra còn sử dụng những tấm gương gần gũi như bạn bè, người thân, những tấm gương điển hình cùng trang lứa để tác động lên nhận thức, tình cảm và nhất là khơi gợi lòng tự trọng của họ; tổ chức các Diễn đàn thanh niên nói về sống đẹp, sống có ích, sống có văn hóa... Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm đúng mức, hướng dẫn, giúp đỡ và tháo gỡ những khó khăn, điều chỉnh những hành vi ứng xử không đẹp nảy sinh trong quá trình giới trẻ tham gia vào những quan hệ xã hội.
Để đạt được trọng trách thanh niên là rường cột của nước nhà, mỗi chúng ta trước hết phải học tập để luôn thấm nhuần đạo đức cách mạng của Bác Hồ, xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng, là người chủ hiện tại và tương lai của nước nhà và Bác Hồ kính yêu cũng đã dạy : “Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội” và trong mỗi chúng ta, ai ai cũng phải đi qua tuổi thanh niên của mình với một khoảng thời gian nhất định, cho nên chúng ta phải sống có ích để  trở thành những hình ảnh đẹp trong thanh niên và trong cộng đồng xã hội; nói một cách cụ thể hơn là, phải sống có lý tưởng, sống có bản lĩnh, sống có lao động, sống có trí tuệ và sống có văn hóa, văn minh lành mạnh.
Ông bà ta đã có câu đúc kết ngắn gọn “tiên học lễ, hậu học văn”. Chữ “lễ” ở đây không chỉ là nghi lễ, mà còn bao hàm ý nghĩa ở cách cư xử trong cuộc sống,  đó là lòng trắc ẩn, sự cảm nhận khó khăn của người khác... Và từ đó có những hành động cụ thể giúp đỡ người hoạn nạn, khó khăn khi họ cần đến. Thiết nghĩ, việc cần phải giáo dục thế hệ trẻ biết chia sẻ, biết sống quan tâm đến cộng đồng đang là vấn đề cần sự quan tâm của từng gia đình và sự chung tay của xã hội.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét