Thứ Hai, 4 tháng 3, 2013

NXB Dân Trí phân trần việc in sách cắm cờ Trung Quốc


Một hôm cháu thắc mắc với tôi: “Dì ơi, sao lá cờ trong sách này không giống cờ nước mình?”. Tôi mở ra xem và rất bất ngờ: đó là cờ Trung Quốc”.
“Trước đó, chị gái tôi mua cho cháu tôi bộ sách dành cho học sinh vào lớp 1 có nhan đề Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ của Nhà xuất bản Dân Trí.

Ðó là phản ảnh của một bạn đọc là học sinh lớp 10 Trường Trung học thực hành, ÐH Sư phạm TP.HCM với báo chí. "Thật không thể hiểu nổi một cuốn sách được quảng cáo ngay từ trang bìa là: "Giáo sư ở các trường danh tiếng giới thiệu bộ sách dành tặng các em nhỏ chuẩn bị bước vào lớp 1" mà lại có sự nhầm lẫn tệ hại như thế", bạn đọc viết.

NXB Dân Trí phân trần việc in sách cắm cờ Trung Quốc

Trang 16 cuốn sách Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ dành cho các em nhỏ chuẩn bị vào lớp 1 của Nhà xuất bản Dân Trí đăng cờ của Trung Quốc - Ảnh: THUẬN THẮNG

Xem kỹ, chúng tôi thấy cuốn sách được trình bày khá bắt mắt, trang 4 có ghi "Nhiều tác giả" chứ không công bố cụ thể tác giả nào, và "Chịu trách nhiệm xuất bản: Bùi Thị Hương. Liên kết xuất bản và phát hành tại: Công ty văn hóa Hương Thủy".
Ở trang 5 có phần "Lời giới thiệu": "Nối tiếp giai đoạn mầm non là vấn đề khó khăn đối với cả cha mẹ và con trẻ. Bộ sách Chuẩn bị toàn diện cho trẻ bước vào lớp 1 là bộ sách giới thiệu các kiến thức trên nhiều phương diện cần thiết cho trẻ bước vào giai đoạn tiểu học [...]. Cuốn sách được biên tập dựa trên chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD-ÐT cùng với những vấn đề trẻ gặp phải trong cuộc sống hằng ngày [...]".
Trang 16 của cuốn a là trang dành cho bé tập kể chuyện với câu hỏi: "Trong tranh đã xảy ra chuyện gì nhỉ? Bé quan sát kỹ tranh, sau đó căn cứ vào nội dung trong tranh kể cho mọi người nghe một câu chuyện nhé". Phía dưới là bức tranh vẽ một em bé và một người phụ nữ đang đứng trước ngôi trường học. Ðiều đáng nói là trên cổng trường có cắm cờ đỏ nhưng không phải cờ Việt Nam mà lại là cờ Trung Quốc (tranh vẽ rất rõ nét, có lẽ vì vậy nên em bé 5 tuổi cũng phát hiện "không phải cờ nước mình"). Khi chúng tôi đưa bức tranh trong sách cho một em học sinh tiểu học xem, kèm câu hỏi "đã xảy ra chuyện gì nhỉ", em cũng thốt lên: "Sao cổng trường cắm cờ Trung Quốc?".

NXB Dân Trí phân trần việc in sách cắm cờ Trung Quốc

Cổng trường có cắm cờ đỏ nhưng không phải cờ Việt Nam trong trang 16 của cuốn sách Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ - Ảnh: CHÂU ANH


Bà Bùi Thị Hương - giám đốc NXB Dân Trí - khẳng định ngay: "Ðây là sách dịch, mua bản quyền của đối tác nước ngoài".
Sau khi làm việc với Công ty văn hóa Hương Thủy chiều 4-3, bà Hương trao đổi lại: "Chúng tôi đã kiểm tra hợp đồng bản quyền thì thấy các điều khoản trong đó rất chặt chẽ, đơn vị phát hành sách phải giữ nguyên xi nội dung gồm phần chữ và hình ảnh như bản gốc, không được phép thay đổi".
Bà Hương cũng cho biết bộ sách trên được biên soạn theo chương trình giáo dục của Trung Quốc. "Hình ảnh trong sách là hình ảnh trường của Trung Quốc thì phải treo cờ Trung Quốc chứ không thể treo cờ Việt Nam được. Tôi thấy nội dung và hình ảnh rất bình thường, không có gì nặng nề" - bà Hương nói.
Về lời giới thiệu "Biên soạn dựa trên chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD-ÐT", bà Hương phân trần: "Khi đối tác gửi file mềm nội dung bộ sách cho chúng tôi thì không có lời giới thiệu như thế. Có lẽ công ty phát hành đã đưa thêm lời giới thiệu này để dễ bán sách". Bà Hương cũng thừa nhận cách giới thiệu cùng với việc không chú giải rõ ràng việc mua bản quyền của Trung Quốc trên bìa sách khiến người mua nhầm tưởng là sách Việt Nam.
Nhưng khi trả lời về việc phải giải quyết thế nào với sự lập lờ gây hiểu nhầm này, bà Hương vẫn khẳng định "đó là bộ sách có nội dung tốt, nó chỉ "lằng nhằng" ở lời giới thiệu. Nên nếu có ý kiến yêu cầu sửa thì chúng tôi sẽ đề nghị đối tác sửa. Nhưng chắc sẽ không thể sửa nội dung sách, không thể thay cờ Trung Quốc thành cờ Việt Nam bởi như thế là vi phạm hợp đồng".
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Phạm Tất Dong - phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cơ quan chủ quản của NXB Dân Trí - cho biết: "Tuy tôi chưa xem cuốn sách đó, nhưng tôi thấy một cuốn sách được ghi rõ là biên soạn cho trẻ em Việt Nam, theo chương trình giáo dục Việt Nam thì nội dung, hình ảnh phải phù hợp với trẻ em Việt Nam, và trong hình ảnh ngôi trường không thể vẽ cờ Trung Quốc".
Sau khi nhận được thông tin và tiếp cận với nội dung cuốn sách trên, bà Ngô Thị Hợp - phụ trách Vụ GD mầm non Bộ GD-ÐT - nói: "Chúng tôi không biết về cuốn sách này vì NXB Dân Trí không trao đổi hay hỏi ý kiến chúng tôi. Vì vậy, NXB Dân Trí phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về nội dung, hình thức của cuốn sách".

* Ông Nguyễn Minh Khang (phó giám đốc NXB Giáo Dục):
Sách dịch phải chọn lựa rất kỹ
NXB Giáo dục hằng năm cũng có nhiều đầu sách dịch phải mua bản quyền của nước ngoài. Nhưng chúng tôi phải chọn lựa rất kỹ, sách dịch cung cấp cho bạn đọc Việt Nam nói chung và học sinh Việt Nam nói riêng phải có nội dung, hình ảnh không trái với quy định pháp luật và thuần phong mỹ tục Việt Nam, không nói sai về lịch sử, địa lý Việt Nam...
Trong hợp đồng mua bản quyền với nước ngoài, nếu thấy cần thiết chúng tôi cũng có thể trao đổi thỏa thuận với đối tác để điều chỉnh nội dung, hình ảnh phù hợp với đối tượng bạn đọc Việt Nam. Cụ thể, chúng tôi từng hợp tác với một số đối tác nước ngoài để phát hành sách tiếng Anh cho trẻ em
Việt Nam, những hình ảnh phong cảnh, con người, trường học trong sách cũng được điều chỉnh phù hợp với học sinh Việt Nam.
Nếu chúng ta trao đổi kỹ thì đối tác cũng không cứng nhắc trong việc bắt ta phải in nguyên xi như bản gốc. Hơn nữa, nếu là sách dịch nguyên gốc thì bìa sách phải nói rõ nguồn gốc. Còn nếu là sách biên soạn dựa theo chương trình giáo dục Việt Nam thì không thể vẽ trường học treo cờ nước khác.
* ThS Nguyễn Thị Kim Thanh (nguyên trưởng phòng giáo dục mầm non Sở GD-ÐT TP.HCM):
Không thể chấp nhận
Việc này xảy ra có lẽ do khâu kiểm duyệt chưa cẩn thận và chặt chẽ. Nhưng dù vì lý do nào thì cũng không thể chấp nhận được. Trong chương trình giáo dục mầm non 5 tuổi, học sinh đã được học về đất nước, về lá cờ Việt Nam, rằng ngôi trường của em thì cắm cờ Tổ quốc Việt Nam. Lứa tuổi này rất nhạy cảm. Về mặt tâm lý, khi đứa trẻ được ăn một món ngon nào đó hồi nhỏ thì bé sẽ nhớ mãi đến khi lớn. Tương tự, những hình ảnh quen thuộc từ thời thơ ấu cũng sẽ in sâu trong trí nhớ.
Cuốn sách trên phải được chỉnh sửa cho đúng, cho trẻ em Việt Nam hiểu rằng: cờ Tổ quốc chỉ có một mà thôi. Những nội dung gì thuộc về đất nước, về Tổ quốc bắt buộc phải chính xác chứ không phải là chuyện cổ tích mà tưởng tượng, hư cấu.





Theo Báo Đất Việt



Tre Làng-Loa Phường-Tiên Lãng-Tiếng nói-Đất mẹ-Việt Nam-Dân Việt-Tuổi trẻ-Nhân dân-QĐND-VNCH

0 nhận xét:

Đăng nhận xét