Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Clip Kẻ Lười Biếng : Phần 3: Ôi bằng cấp, điểm số, bệnh thành tích!

(GDVN) -"Một thằng ngu sẽ phải dựa dẫm vào địa vị, bằng cấp, học hàm để mà tuyển dụng nhau. Vậy thì chúng ta còn tiếp tay cho những thằng ngu mà làm cái gì? Hay chúng ta lại muốn tiếp tay cho những thằng tham ô, hối lộ?"


Thi cử là cái gì mà con người ta phải đối phó với nó? Trong tình huống buộc phải đối mặt thì chúng ta lại đối phó. Thi cử là bắt buộc, không thi thì làm sao có điểm, làm sao có bằng, không thì thì làm sao vào trường, ra trường, làm sao có thể thi tiếp? Bản chất của cuộc thi là tìm ra ai là người chiến thắng, cuộc tranh đua của những người cùng chung một niềm đam mê, khát khao khẳng định bản thân, khát khao được về đích với vị trí thứ nhất. Còn thi cử trong học hành ngày nay là xem ai có thể vuốt mồ hôi mà thở phào nhẹ nhõm. Một đằng hoàn toàn chủ động, một đằng hoàn toàn bị động.
Vậy ý nghĩa của giáo dục có phải là đẩy con em vào sự căng thẳng, mệt mỏi sau mỗi kỳ thi, mỗi ngày lên lớp? Thay vì học sinh hào hứng giơ tay đóng góp thì thực tế học sinh chỉ sung sướng khi được thông báo nghỉ học. Người ta chào đón, hào hứng để tham gia các cuộc thi khác bao nhiêu thì học sinh lại phát ớn trước mỗi kỳ thi bắt đầu bấy nhiêu. 

Clip Kẻ Lười Biếng : Phần 3: Ôi bằng cấp, điểm số, bệnh thành tích!

Tại sao chúng ta lại sợ nó đến vậy? Điểm số là nguyên nhân! Điểm số là khái niệm đầy bất cập. Trước hết ta tạm chấp nhận nó như một chiếc thước minh bạch và sáng suốt để đo trình độ của con người (tạm chấp nhận thôi nhé). Ta chấp nhận nó đại diện cho lý tính, tài giỏi thì điểm cao, dốt nát thì điểm thấp, trắng đen rạch ròi. Nhưng không, để phủ nhận cho chính lý tính đó, thì từ trước đến nay điểm số luôn dính dáng phần nào đến cảm tính, nó có thể được nâng lên nâng xuống, được trừ một, được cộng hai, là công cụ bày để tỏ tình thương hoặc bày tỏ lòng từ bi, hay thậm chí để đem ra dọa nhau. Điểm cao cũng có thể đạt được bằng gian lận mà thôi.
Vậy chiếc thước này đã mất đi tính chất thứ nhất, đó là minh bạch. IQ chỉ là một phần nhỏ để đánh giá cá nhân, bài kiểm tra phụ thuộc vào tâm trạng và vốn hiểu biết tức thời của người chấm. Vậy thì cớ gì mà điểm số giữ được tính sáng suốt của nó? Điểm số bản thân nó đã là công cụ để phân loại con người, hiển nhiên sẽ phát sinh sự bất bình đẳng, sự tự phụ, tự ti, tị nạnh, cạnh khóe. Đó là điều không đáng có ở bất kỳ đâu, đặc biệt là bậc Tiểu học.

Tóm lại là nó không minh bạch, không sáng suốt, không có gì tốt đẹp. Chúng ta cuống cả lên để chạy theo một giá trị hão mà tưởng rằng là đang khẳng định bản thân mình. Nếu lúc nào cũng lăn tăn ba thứ điểm cao thấp thì có lẽ cuộc sống sẽ luẩn quẩn trong những thứ vô vị. 

Bệnh thành tích ở đâu mà ra? Sẽ không có bệnh thành tích nếu chúng ta không biến bằng cấp thành tiêu chuẩn của quy chế để xét tuyển. Muốn không như thế ta phải cắt bỏ cái gốc, cái rễ, tức là căn bệnh thành tích. Muốn cai nghiện đương nhiên phải ngừng cung cấp thuốc cho con nghiện, người ta đánh giá nhau chủ yếu qua bằng cấp mà không phải qua năng lực. Đó không chỉ là tâm lý chung mà còn là quy định chính thức ở nhiều nơi.
Xét trong một ngành nghề, một cơ quan, chỉ có những thằng ngu mới không biết thằng nào là thằng giỏi. Một người tài giỏi khi đứng ở vị trí lãnh đạo sẽ biết dùng góc quan sát và năng lực của chính bản thân để đánh giá năng lực của người khác. Còn một thằng ngu sẽ phải dựa dẫm vào địa vị, bằng cấp, học hàm để mà tuyển dụng nhau. Vậy thì chúng ta còn tiếp tay cho những thằng ngu mà làm cái gì? Hay chúng ta lại muốn tiếp tay cho những thằng tham ô, hối lộ?

Không muốn có bệnh thành tích, chúng ta phải cắt bỏ bệnh thành tích, với tư tưởng đó xét trong phạm vi nhà trường thành tích chính là điểm số. Đừng tạo ra những điểm số. Đi học mà không có điểm nghe có vẻ điên rồ, với tôi điểm số có cũng được nhưng đừng quan trọng hóa nó. Điểm số thực chất chỉ là kết quả của một bài kiểm tra mà ở trường, ngoài môn thể dục, bài kiểm tra là tập hợp định nghĩa những câu hỏi có tính hệ thống. Những câu hỏi này đặt ra có sẵn đáp án, câu trả lời cố định để tính điểm.

Như vậy điểm số chỉ thể hiện năng lực ghi nhớ những cái đã được học mà không nói lên được những năng lực khác, thậm chí không kiểm chứng được việc anh có hiểu những gì mà anh nhớ hay không. Vì điểm số người ta sẽ tìm ra nhanh nhất câu trả lời có sẵn vào bài kiểm tra bao gồm các hình thức học tủ, học vẹt, gian lận. Làm như thế này không hề mang tính nghiên cứu và sáng tạo. Nó đã và đang xảy ra ở hầu hết các môn trong trường học. Thậm chí những môn khoa học tự nhiên, tưởng như nó đòi hỏi tư duy logic rất cao nhưng cũng phải thuộc lòng các công thức để áp dụng giải bài tập. 

Không muốn làm bài tập cuối cùng lại bị đánh giá là yếu kém về tư duy, thế thì quá mỉa mai và không đời nào tôi ủng hộ. Một khi đã có điểm người ta chỉ học vì điểm. Hãy để cuộc đời cho điểm mỗi cá nhân, nâng tất cả lên cao rồi sẽ biết ai là người có đôi cánh.
Năng lực rất đa dạng, có bao nhiêu hoạt động thì có bấy nhiêu năng lực. Nói chung muốn đánh giá hãy nhìn sự tồn tại của mỗi cá nhân và ảnh hưởng của sự tồn tại ấy đến xã hội và môi trường xung quanh. Ảnh hưởng đó là gì, là công việc, là giá trị sản phẩm họ tạo ra. Sản phẩm có ảnh hưởng lớn là có giá trị cao, không có ảnh hưởng là đồ vô dụng. Những thứ có giá trị ảnh hưởng không bao giờ là những thứ có sẵn bày ra như đáp án trong bài kiểm tra". 

Theo Báo Giáo Dục Việt Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét