Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Nghị định 72-Đảm bảo cho phát triển môi trường Internet tại Việt Nam lành mạnh và bền vững!

Khổng Minh - Ngày 15/7/2013 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2013. Đây là một văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhằm thực hiện tốt hơn công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực thông tin Intetnet, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ, sử dụng và đăng các thông tin trên Intetnet. Việc ban hành Nghị định này là một hoạt động pháp lý bình thường của Nhà nước, căn cứ các quy định của Hiến pháp, các đạo luật có liên quan và tình hình thực tế đặt ra cho công tác quản lý. Tuy nhiên, trong thời gian quan đã có một số ý kiến (mà chủ yếu là các blogger ở nước ngoài) cho rằng đây là văn bản vi phạm hiến pháp, vi phạm các công ước quốc tế về tự do thông tin, tự do ngôn luận, vi phạm nhân quyền và là biện pháp hành chính của Chính phủ nhằm tiếp tục hạn chế quyền tự do trên Internet tại Việt Nam. Liệu sự thực có phải như vậy?
Internet được sử dụng rộng rãi, phổ biến tại Việt Nam với gần 31 triệu người dùng 
Theo số liệu thống kê, từ năm 1998 đến nay đã tròn 15 năm Internet có mặt tại Việt Nam. Chúng ta trở thành một trong các quốc gia có tốc độ phát triển Internet nhanh nhất, đặc biệt tốc độ tăng trưởng số người dùng Internet trong giai đoạn 2000 – 2008 là nhanh nhất thế giới. Hiện nay nước ta có gần 31 triệu người (chiếm hơn 1/3 dân số) dùng Internet, xếp thứ 17 trong top 20 quốc gia có lượng người sử dụng Internet nhiều nhất trên thế giới. Các trang báo điện tử, các trang mạng cá nhân rất phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Việt Nam trong những năm qua đã trở thành một thị trường rộng lớn và năng động trong các dịch vụ truy nhập và kết nối Internet, được nhiều hãng uy tín đầu tư, kinh doanh và thu lợi nhuận cao như Google, Yahoo, Facebook... Để có được những kết quả đó một phần quan trọng là do Chính phủ Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, có các chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực Internet. Nếu Chính phủ kiểm soát gắt gao, cấm đoán, hạn chế sự phát triển Internet thì không bao giờ có những con số ấn tượng như vậy. Cho nên những luận điệu của một số đối tượng cáo buộc rằng Internet bị cấm đoán, hạn chế tại Việt Nam là bịa đặt, không có cơ sở.
Hiện nay chúng ta đang đẩy mạnh thực hiện công ước quốc tế về quyền sở hữu trí tuệ, Quốc hội cũng đã ban hành Luật để điều chỉnh về lĩnh vực này. Thực tế cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Internet thì đây cũng là môi trường rất thuận lợi cho các hành vi vi phạm bản quyền, xâm phạm sở hữu trí tuệ. Chúng ta thấy rằng việc cắt dán các bài báo, các thông tin trên mạng tương đối phổ biến và tình hình ngày càng nóng lên. Nhiều tác phẩm báo chí, văn học, âm nhạc…được các tác giả dày công thai ngén, sáng tác và đưa lên Internet nhưng đã ngay lập tức bị đánh cắp, bị đạo tác phẩm để trở thành sản phẩm của người khác, giá trị tác phẩm của các tác giả đó không được ghi nhận và đền đáp xứng đáng. Vì vậy Nghị định 72 ra đời nhằm hạn chế các “trang mạng lười”, ngăn chặn tình trạng ăn cắp bản quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả. 
Internet là không gian mở, không có biên giới, nếu người dùng sử dụng với mục đích nhân văn, mạng xã hội sẽ trở thành một kênh giao tiếp, giải trí lành mạnh. Tuy nhiên một số kẻ xấu đã sử dung Internet làm công cụ đắc lực làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân…Vì vậy, nếu không đặt ra yêu cầu về tính chính danh của các loại trang mạng thì cộng đồng cư dân mạng và xã hội sẽ phải gánh nhiều hệ lụy không đáng có về các thông tin thất thiệt, tuyên truyền, bịa đặt.
Qua đó cho thấy, các nội dung quy định trong Nghị định là phù hợp, đảm bảo phát huy tối đa các mặt tích cực đồng thời hạn chế các mặt tiêu cực của Internet đưa lại, đảm bảo phát triển môi trường Internet lành mạnh và bền vững, để Internet trở thành hơi thở trong lành, là môi trường không thể thiếu của đa số người dân Việt Nam. Nếu có ai đó cho rằng các quy định của Nghị định là không đúng thì chính họ đang tự khai nhận rằng họ đã, đang và sẽ sử dụng Internet với mục đích không trong sáng, sợ tính chính danh của các loại trang mạng.
Trong thế giới phẳng, Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới đều phải có các hành lang pháp lý để đảm bảo an ninh mạng, vấn đề là tùy đặc điểm tình hình và trình độ phát triển của từng quốc gia để đưa ra các quy định và cách thực hiện phù hợp. Đến một đất nước phát triển cao, luôn cao giọng nói về dân chủ và nhân quyền như Mỹ mà còn xây dựng chương trình nghe lén trên quy mô toàn cầu nhằm đảm bảo an ninh trên mạng Internet, gây nên một vụ việc tai tiếng mà được nhiều người gọi là vụ Snowdengates (tai tiếng như vụ nghe lén Watergates dưới thời Tổng thống Nixon). Nói như vậy để chúng ta thấy rằng việc Chính phủ ban hành Nghị định một cách công khai, hợp hiến, hợp pháp là điều bình thường, các luận điệu phê phán chỉ nhằm mục đích xấu xa là lợi dụng các trang mạng để tuyên truyền các thông tin thất thiệt, bịa đặt và khi bị quản lý bởi hàng rào pháp luật thì lên tiếng phản đối.
Có một nội dung quan trọng trong Nghị định được các nhà cung cấp trò chơi điện tử rất quan tâm, đó là quy định về cấp phép trò chơi điện tử (game online) đối với các doanh nghiệp. Thực tế từ năm 2010, cơ quan quản lý một số địa phương đã yêu cầu các doanh nghiệp dừng phát hành một số trò chơi điện tử trong nước, vấn đề này đã tạo điều kiện cho những người chơi game tìm đến các trò chơi của nước ngoài, làm giảm thị phần trò chơi điện tử của các doanh nghiệp trong nước. Quy định này thực sự là gỡ nút thắt cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho họ được cạnh tranh công bằng, lành mạnh hơn và họ tin rẳng trong tương lai ngành kinh doanh game online tại Việt Nam sẽ phát triển ngang với các nước trong khu vực
Việt Nam có thị trường game online phát triển, với các quy định mới sẽ giúp cho các doanh nghiệp cạnh tranh công bằng, lành mạnh hơn. 
Khi môi trường Internet tại Việt Nam ngày càng lành mạnh, an toàn và được pháp luật bảo vệ thì đó là tiền đề, điều kiện quan trọng để Internet có cơ hội phát triển mạnh mẽ, cất cánh trong nay mai, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới và các nhà đầu tư cũ sẽ mở rộng kinh doanh, chứ không phải như một số luận điệu cho rằng việc áp dụng Nghị định sẽ làm giảm nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp Internet vào Việt Nam.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét