Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Người tiêu dùng Việt - xin đừng để tiền mất tật mang

Lợi dụng chính sách kích cầu, khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàngViệt Namcủa nước ta, nhiều mặt hàng giá rẻ sản xuất từ Trung Quốc đã được đưa vào thị trường nội địa, dán mác Việt Nam để bán. Hàng hóa "ruột" Trung Quốc, nhãn mác Việt Nam giờ đã không còn là hiện tượng bột phát, nhỏ lẻ, nhập theo đường tiểu ngạch mà đang là một trào lưu."Hồn trương ba, da hàng thịt". Với dạng hàng hóa này, thị trường nội địa, các doanh nghiệp trong nước ngày càng khó khăn, người tiêu dùng thì khó có thể phân biệt thật giả, thành ra số tiền họ phải bỏ ra mua sản phẩm đôi khi là rất lớn, nhưng giá trị sử dụng của sản phẩm mà họ nhận được lại rất kém, thậm chí là những sản phẩm độc hại gây mất an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Hàng nông sản Trung Quốc gắn mác Việt
Khi các xe hàng nông sản Trung Quốc được chuyển từ cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) về tới kho hàng thì sẽ có một đội quân tiến hành “lột xác” biến chúng thành nông sản Việt Nam.
Cách "lột xác" đó cũng không có gì là tinh vi, chủ yếu là phương pháp thay bao bì đơn giản. Khi nông sản được nhập chuyển từ bên kia biên giới qua cửa khẩu về đến nhà kho của doanh nghiệp vẫn mang nhãn mác và bao bì xuất xứ Trung Quốc . Tuy nhiên, khi về đến các cơ sở ở đây sẽ bước vào công đoạn lọc và phân loại nông sản, thực chất là thay đổi, đánh tráo bao bì nhãn hàng. Đối với các nông sản như Gừng, hành tỏi, khoai tây… sẽ được sàng để loại bớt vỏ và đất cát bám trên hàng, giúp hàng được bóng bẩy, đẹp mã. Từ những bao hàng phôi (chưa phân loại), các loại rau, củ sau khi được sàng lọc và phân loại sẽ không còn “dấu vết” gì của hàng “Tàu” nữa. Khâu này hoàn tất thì loại đẹp bao giờ cũng được đi tiêu thụ ở Hà Nội, còn loại 2 được đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh phía Nam, loại thải loại thì cho đưa đi tiêu thụ ở các quán cơm bình dân, nông thôn...
gung trung quoc
Người tiêu dùng khó phân biệt được đâu là gừng tỏi Trung Quốc, đâu là gừng tỏi Việt Nam
Tại các chợ đầu mối, hàng nông sản Trung Quốc được nhập về một cách ồ ạt, thế nhưng về đến các chợ nhỏ lẻ thì dường như vắng bóng, vắng bóng không phải chúng không tồn tại, mà vì chúng đã được khoác lên mình chiếc áo và tên gọi khác. Trước đây, người Việt Nam thường bảo nhau cách chọn nông sản như: Khoai tây Tàu sẽ to và nhiều đất bám màu đỏ, Gừng Tàu thì to và không thơm. Nhưng bây giờ Khoai nhiều đất màu đỏ sẽ được rửa sạch, các củ khoai nhỏ sẽ được lựa cho bám đất thường bán trước vì giống hàng Việt hơn, gừng Trung Quốc cỡ nhỏ sẽ là gừng ta, gừng cỡ to thì sẽ là gừng Đà Lạt, Tiền Giang,…. Cà chua Tàu ở miền Bắc sẽ mang tên cà chua Đà Lạt, vào miền Nam sẽ mang tên Cà chua Mộc Châu…Mùa khoai tây ở nước ta vào khoảng tháng 11-12, nhưng dù giữa mùa hè, trong các siêu thị, hay tại các chợ thì khoai tây Tàu vẫn có cái tên mỹ miều là “khoai tây Đà lạt” được các chị em mua về nấu nướng, mặc dù nếu để ý, chúng ta có thể để củ khoai đó cả tháng không đụng đến, nó cũng sẽ không mọc mầm, cùng làm là sẽ nhũn, nhưng là nhũn từ trong ra chứ vỏ ngoài vẫn như vậy.
Gần đây, liên tiếp các vụ việc được phanh phui như các loại hoa quả dâu tây, nho, khoai tây, táo xanh... xuất xứ từ Trung Quốc nhưng vẫn được người bán hàng cố tình nhập nhèm cho biết có xuất xứ từ Đà Lạt, Ninh Thuận hay một địa danh nào đó trong nước cách xa với địa bàn tiêu thụ, thậm chí nho xanh, táo xanh, táo đỏ Trung Quốc được dán nhãn mác là Táo Sapa, Táo Mỹ, Táo Newzeland, Cam Tàu thì mác cam Hà Giang, Quýt Tàu thì gọi là quýt Thái… Mà đặc biệt các loại hoa quả này dù có phải vượt đường xa chuyên chở, dù nắng mưa gay gắt thì vỏ và cành lá của chúng vẫn tươi nguyên cả vài tuần mà không có dấu hiệu hư hỏng.
Và cứ như thế, vô hình chung người Việt mình đi tiêu thụ nông sản chủ yếu cho Trung Quốc, trong khi tiềm ẩn trong chúng không bànvề giá trị dinh dưỡng, có biết bao nhiêu chất bảo quản, hóa chất độc hại, chất gây ung thư. Từ Táo Fuji được ủ bằng hợp chất hữu cơ độc hại chứa asen từ lúc còn non đến lúc chín, đến lê Trung Quốc có chứa dư lượng endosulfan  gây vô sinh. Toàn thể dân Trung Quốc được cảnh báo không ăn lê, táo, và số lê, táo đã thu hoạch không có con đường nào khác là sẽ “mặc áo mới” và đi vào thị trường Việt Nam hay thị trường các nước kém phát triển khác.

Hàng đóng mác Made in Viet Nam được sản xuất ồ ạt tại Trung Quốc
Hàng Made in Viet Nam được sản xuất và xuất đi các nước Châu Âu, Châu Á có chất lượng rất tốt. Cụ thể một số thương hiệu như: Place, Gap, Nike, Tommy Hilfiger, Papaya, Premium, Justice West… là hàng xuất khẩu có gắn mác “Made in VietNam”, các sản phẩm này là do các công ty trong nước gia công cho thương nhân nước ngoài. Tuy nhiên, trong các lô hàng gia công có một số sản phẩm bị thừa, hoặc vài sản phẩm bị lỗi không xuất được nên các công ty gia công “bỏ” lại cho các tiểu thương. Vì vậy, các sản phẩm này mang mác “Made in Vietnam” có giá cả phải chăng nhưng chất lượng “ngoại” nên mấy năm gần đây được người tiêu dùng trong nước rất ưa chuộng. Dựa vào tâm lý đó, không ít những mặt hàng có màu sắc, mẫu mã tương tự dễ dàng “lập lờ đánh lận con đen” để tràn lan vào thị trường hàng made in Viet Nam nhưng thực chất chúng lại là hàng Trung Quốc. Chính vì vậy, khi trực tiếp lựa chọn các sản phẩm bày bán, sẽ có rất nhiều sản phẩm may mặc bên cạnh mác “Made in Vietnam” in trên cổ áo thì vẫn còn nhãn mác “Made in China” mà các tiểu thương chưa kịp cắt bỏ như: đầm trẻ em hiệu Disney, quần trẻ em Hello Kitty… Sở dĩ các tiểu thương tráo nhãn hàng có xuất xứ Trung Quốc sang hàng xuất xứ Việt Nam vì sẽ dễ bán với giá cao hơn và dễ tiêu thụ hơn. Chẳng hạn như đầm trẻ em hiệu Disney hàng Trung Quốc giá chỉ 70.000 - 80.000đ/cái, nhưng thay bằng mác “Made in Vietnam” thì giá lên tới 160.000 - 170.000đ/cái. Thậm chí, một số doanh nghiệp nhỏ lẻ ở VN còn bằng cách này hay cách khác lấy mẫu trên web, đặt hàng tại Trung Quốc, và đóng mác Made in Viet Nam ngay khi tuồn về Việt Nam tiêu thụ. Gần đây không ít người mua hàng tỏ ra bức xúc khi mua hàng trong chuỗi các cửa hàng made in VN, có mác Made in VN nhưng về nhà xem kỹ thì thấy sót mác China trên cổ hay thân áo, thậm chí là gặp ngay sản phẩm đó ở chợ vỉa hè với các mác Made in China to đùng. Nếu không muốn rắc rối, mất thời gian thì bỏ qua, coi như kinh nghiệm để lần sau để ý, còn nếu mang ra cửa hàng thì có lẽ cũng chỉ nhận lại những câu tương tự : “ hàng mua rồi miễn đổi, trả”; “thuận mua, vừa bán”; “mác Made in VN là tên cửa hàng, chúng em bán kèm cả các sản phẩm xuất khẩu khác cho đa dạng”….

Các mặt hàng tiêu dùng khác:
 Không chỉ nông sản, hoa quả, các mặt hàng thời trang, hiện các mặt hàng khác như hàng gia dụng, điện máy, điện tử, đồng hồ, kính mắt, túi xách, thiết bị vệ sinh, hóa mỹ phẩm bán tại một số cửa hàng, siêu thị là hàng Trung Quốc nhưng được “ngụy trang” dưới mác “Made in Vietnam” cũng đang được bày bán khá phổ biến. Đáng ngại hơn, ngay cả thực phẩm, hóa mỹ phẩm của Trung Quốc cũng “đội lốt” là hàng Việt Nam để lừa người tiêu dùng. Cụ thể với mặt hàng gia dụng, nhiều nhất có thể kể đến là mặt hàng cây lau nhà, kiềng tiết kiệm gas, vợt bắt muỗi, bộ dao đa chức năng,…. Tất cả chúng đều được làm từ nhựa tái chế của Trung Quốc, sau đó được quảng cáo rùm beng, vận chuyển tiêu thụ tại Việt Nam, với bao bì Việt Nam, thương hiệu Việt Nam, hướng dẫn sử dụng, hình ảnh minh họa cũng rất Việt Nam để đánh lừa người tiêu dùng. Mặt hàng hóa mỹ phẩm thì ruột Tàu nhưng cũng đội lốt vỏ Việt, vỏ Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp….điển hình các loại thuốc làm trắng, kem lột, dầu gội, sữa tắm, thực phẩm chức năng, thuốc giảm cân….người tiêu dùng Việt nếu chỉ vì ham làm đẹp, chọn nhầm sẽ mang lại không biết những hậu quả gì cho bản thân. Các mặt hàng điện máy, điện gia dụng sẽ được gắn những thương hiệu nổi tiếng như Panasonic, Blacker, Toshiba…. Và bán với giá cao, hoặc được xả bán vào các đợt khuyến mại, hội chợ, nhưng chỉ khi sử dụng, người tiêu dùng mới phát hiện ra chất lượng sản phẩm quá kém so với thương hiệu bởi dưới những vỏ ngoài bóng bẩy đó thì bên trong là hàng Trung Quốc chất lượng thấp. Đồ chơi trẻ em Trung Quốc cũng chứa các chất độc hại nhưng được sản xuất và không ghi tem mác hoặc cũng gắn mác Việt để tiêu thụ…Có thể nói thị trường Việt Nam hiện nay, ngập tràn hàng nhái, hàng giả kém chất lượng, người tiêu dùng hàng ngày phải đối mặt với đủ các nguy cơ; mỗi lần mua hàng là một lần hy vọng mình không mua phải hàng Tàu mác Việt.

Lợi nhuận, “anh” là tất cả…
Nguyên nhân sâu xa để hàng Trung Quốc dưới mọi hình thức núp bóng hàng Việt, vô tư tràn ngập thị trường Việt Nam đó chính là vì lợi nhuận, và cái lợi nhuận của mỗi cá nhân ấy đã vô hình chung bóp nghẹt các doanh nghiệp trong nước. Từ hoa quả Việt mẫu mã xấu hơn, giá đắt hơn, nhanh hỏng hơn khiến tiểu thương khó kinh doanh, dễ lỗ…hoa quả Tàu mẫu mã đẹp, giá rẻ, lâu hỏng, lãi khủng, siêu lợi nhuận nhờ các tiểu thương phù phép cho cái áo mới, tên gọi mới thì dường như cái họ quan tâm là túi tiền chứ không phải sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng. Hàng gia dụng Trung Quốc, đồ chơi Trung Quốc vì sản xuất từ nhựa tái chế độc hại nên sẽ có giá rẻ, thậm chí chế độ bảo hành hơn cả hàng hãng kiểu như 1 đổi 1 trong vòng 12 tháng… người tiêu dùng nếu không thực sự quan tâm, hay nói cách khác không có sự hiểu biết rõ ràng thì cũng sẽ dễ dàng mua phải, còn tiểu thương tha hồ thu lãi. Sản phẩm may mặc của Trung Quốc mẫu mã đẹp, giá rẻ, kiểu dáng thời trang, ngoài việc lấn át hàng Việt Nam thì giờ chúng cũng đội lốt hàng Việt Nam để dễ tiêu thụ hơn tại thị trường.

Giải pháp cấp bách.
Hiện nay cả EU và Mỹ đều đã phát động cuộc chiến chống lại hàng hóa Trung Quốc với lý do chính là hàng Trung Quốc làm giả, làm nhái quá nhiều và chứa thành phần độc hại cho người sử dụng. Có lẽ, đã đến lúc các cơ quan chức năng ở Việt Nam cần quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý, chống hàng nhập lậu; cần có cơ chế phối hợp đồng bộ giữa lực lượng Hải Quan, Quản lý thị trường, An toàn vệ sinh thực phẩm và các ngành chức năng khác trong  việc xiết chặt các quy định về xuất nhập khẩu để tránh tình trạng nhập lậu một cách bừa bãi các sản phẩm từ Trung Quốc gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt, thất thu thuế của nhà nước, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần phải làm tốt công tác kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm, tổ chức tốt công tác tuyên truyền phổ biến đến người dân để người dân nâng cao hiểu biết, tránh tiền mất, tật mang, mua phải hàng hóa kém chất lượng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét