Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

Vệ tinh siêu nhỏ của Việt Nam bay vào vũ trụ


Vệ tinh siêu nhỏ Pico Dragon đã được đưa vào không gian sáng nay nhờ tàu vận tải của Nhật Bản.

Trung tâm vệ tinh quốc gia (VNSC), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) thông báo, 2h48 hôm nay theo giờ Hà Nội, tàu vận tải HTV4 (còn gọi là Konotori4) đã được phóng từ bệ phóng Yoshinobu ở Trung tâm Vũ trụ Tanegashima mang theo vệ tinh siêu nhỏ Pico Dragon của Việt Nam lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). HTV4 dự kiến sẽ đến ISS vào ngày 9/8 tới.

Vệ tinh siêu nhỏ Pico Dragon là sản phẩm được phát triển bởi đội ngũ kỹ sư của VNSC, nó có kích thước 10x10x11,35 cm, khối lượng 1 kg. Pico Dragon có nhiệm vụ chụp ảnh trái đất, đo đạc một số thông số vệ tinh bằng các cảm biến gắn trên vệ tinh, và thử nghiệm thông tin liên lạc với mặt đất.

Vệ tinh siêu nhỏ của Việt Nam bay vào vũ trụ

Dự án nhằm là thúc đẩy việc phát triển ngành công nghệ vũ trụ, đây cũng là bước chuẩn bị đầu tiên trong đào tạo nhân lực cho việc tự thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất riêng của Việt Nam trong tương lai. 

Toàn bộ các bước trong quá trình phát triển vệ tinh từ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp đến thử nghiệm đều được thực hiện tại Việt Nam. Ngoài ra, với sự hỗ trợ từ Nhật Bản, VNSC đã thử nghiệm rung động và thử nghiệm nhiệt tại phòng thí nghiệm Đại học Tokyo và một số thử nghiệm khác tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ JAXA, Nhật Bản nhằm đáp ứng điều kiện môi trường vũ trụ trước khi được phóng. Với kết quả thử nghiệm, JAXA đã xác nhận vệ tinh Pico Dragon đạt đầy đủ điều kiện để đưa lên 
ISS bằng tàu vận tải HTV4.
Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm vệ tinh quốc gia cho biết, việc phóng thành công vệ tinh Pico Dragon vào không gian đánh dấu bước trưởng thành của các kỹ sư, nghiên cứu viên trẻ của trung tâm. Đồng thời đây cũng bước chuẩn bị tiến tới mục tiêu nghiên cứu và phát triển vệ tinh riêng của Việt Nam.

Ngoài nỗ lực của tập thể VNSC, dự án nhận được sự hỗ trợ từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Cục Tần số Vô tuyến điện Việt Nam, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản, Đại học Tokyo.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét